Dấu hiệu nhận biết viễn thị là nhìn mờ, hay bị nhức mỏi mắt, đau đầu chóng mặt

Viễn thị và lão thị: nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị

Viễn thị và lão thị là hai khái niệm khác nhau, nhưng thường hay bị nhầm lẫn là cùng một bệnh. Trên thực tế, mặc dù có nhiều điểm chung tuy nhiên tật viễn thị và tật lão thị lại bắt nguồn từ những nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Do đó việc đánh đồng giữa hai căn bệnh về mắt này là không chính xác. Sau đây, Bệnh viện Mắt Trung Ương sẽ giúp bạn phân biệt giữa hai khái niệm này.

Viễn thị là gì?

Viễn thị (Farsightedness, Hypermetropia, Hyperopia) là tật thường gặp ở mắt mà trong đó, mắt người không thấy rõ những vật thể nằm gần, tuy nhiên lại thấy rất rõ những vật thể nằm cách xa.

Về bản chất, viễn thị bắt nguồn từ sự sai lệch khúc xạ do những nguyên nhân sau:

  • Người bệnh có cầu mắt có trục trước – sau quá ngắn, giác mạc quá dẹt.
  • Do không duy trì khoảng cách an toàn cho mắt khi học tập, làm việc. Từ đó làm giảm sự đàn hồi và khả năng phồng lên của thể tinh.
  • Người già có thủy tinh bị giãn do lão hóa, khả năng phồng lên kém.
  • Người bị bạch tạng, tiểu đường (hiếm gặp)
  • Ngoài ra yếu tố về mặt di truyền hoặc người có khối u mắt, mắc bệnh võng mạc cũng có nguy cơ mắc viễn thị cao hơn.
Người bị viễn thị không nhìn thấy rõ những vật thể nằm gần
Người bị viễn thị không nhìn thấy rõ những vật thể nằm gần

Khi mắt bị viễn thị chuyển về trạng thái nghỉ ngơi, những tia sáng song song chiếu đến mắt sẽ được hội tụ về phía sau của võng mạc. Để nhìn rõ hơn, mắt người bệnh sẽ cố gắng điều tiết nhằm đưa ảnh phía sau về đúng vị trí trên võng mạc.

Nói cách khác, đây là tình trạng suy giảm công suất hội tụ của mắt. Nếu muốn nhìn rõ hơn thì phải đeo thêm kính hội tụ để điểm hội tụ có thể được điều chỉnh về đúng võng mạc. Tật viễn thị có triệu chứng khá giống với lão thị và nó có thể di truyền cho những người trong cùng gia đình.

Lão thị là gì?

Lão thị là một tật ở mắt thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40 trở đi, có thể sớm hay muộn hơn. Tật lão thị sẽ ngày càng nặng khi tuổi càng cao. Các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định được chắc chắn cơ chế dẫn đến tật lão thị. Tuy nhiên nguyên nhân trực tiếp rõ nhất là do thủy tinh thể bị xơ cứng dẫn đến giảm sự đàn hồi.

Biểu hiện của tật lão thị là không nhìn rõ các vật thể ở gần trong tầm tay, nhất là trong môi trường ánh sáng yếu. Ví dụ như đồng hồ, sách báo, hình ảnh trên điện thoại… Nếu muốn nhìn rõ các chi tiết của vật thể thì phải quan sát từ phía xa. Mức độ lão thị càng cao thì khoảng cách giữa mắt và vật thể càng lớn.

Khi mắc lão thị, người bệnh muốn nhìn rõ cần điều kiện ánh sáng mạnh hơn hoặc phải nheo mắt lại. Vì vậy hay dẫn đến hiện tượng chảy nước mắt, nhức mỏi mắt, nhức đầu.

Lão thị là một tật ở mắt thường gặp ở người trong độ tuổi từ 40 trở đi
Lão thị là một tật ở mắt thường gặp ở người trong độ tuổi từ 40 trở đi

Phân biệt viễn thị và lão thị

Dựa vào các khái niệm ở trên, có thể thấy tật viễn thị và tật lão thị có điểm chung là bệnh nhân không có khả năng nhìn rõ vật ở gần, có thể khắc phục được bằng cách trang bị những loại kính đặc biệt hoặc phẫu thuật mắt.

Mặc dù vậy, hai căn bệnh này không hoàn toàn giống nhau. Tật lão thị là do mắt bị suy giảm khả năng điều tiết (phần lớn do tuổi tác) làm giảm khả năng tập trung vào vật thể. Trong khi đó viễn thị là tật khúc xạ mắc phải (do chiều dài nhãn cầu và thủy tinh thể bị mất cân bằng về tỷ lệ dẫn đến sai lệch khúc xạ ánh sáng).

Tật viễn thị có thể di truyền và mắc từ giai đoạn nhỏ tuổi.  Còn tật lão thị bắt nguồn từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, thường gặp ở người trên 40 tuổi. Nó cũng giống như hiện tượng da xuất hiện nếp nhăn hay tóc bị bạc. Lão thị gây ra bởi sự thay đổi sinh lý tuổi già và không phải là tật khúc xạ.

Bên cạnh đó, mắt người viễn thị luôn phải điều tiết kể cả khi nhìn gần hoặc nhìn xa. Còn mắt người bị lão thị chỉ điều tiết khi phải nhìn gần, còn nhìn xa thì không cần điều tiết.

Cách phân biệt giữa viễn thị và lão thị
Cách phân biệt giữa viễn thị và lão thị

Viễn thị có nguy hiểm không?

Bệnh nhân bị viễn thị phải liên tục điều tiết mắt, nheo mắt nên thường gặp tình trạng đau rát quanh mắt, nhức mỏi mắt. Khi thực hiện các công việc đòi hỏi phải nhìn gần hoặc tập trung quá lâu thì có thể bị đau đầu.

Tuy nhiên khi mắc viễn thị ở cấp độ nặng (từ +4 Diop trở lên) thì người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Trẻ bị viễn thị nặng có thể biến chứng thành lé. Mắt trẻ thường lé vào trong do quy tụ và điều tiết có sự mất cân bằng.

Khi bị viễn thị nặng lâu ngày nhưng không có biện pháp cải thiện có thể tiến triển thành nhược thị. Lúc này mắt sẽ không có khả năng nhìn thấy gì và không thể điều trị được. Như vậy, biến chứng nguy hiểm nhất do viễn thị gây ra là nhược thị. Nếu nghi mắc viễn thị, bạn cần đi khám mắt sớm để đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Viễn thị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về mắt
Viễn thị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về mắt

Ai có nguy cơ mắc viễn thị?

Ai cũng có thể mắc viễn thị, kể cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng viễn thị ở trẻ sẽ dần được cải thiện trong quá trình phát triển. Hầu hết các trường hợp mắc viễn thị đều do nguyên nhân về di truyền học. Nếu có cha mẹ hoặc người thân bị viễn thị thì trẻ cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

Bên cạnh đó, viễn thị cũng thường gặp ở những người trên 40 tuổi. Trong giai đoạn này, cấu trúc quang học của mắt sẽ phải trải qua một số thay đổi. Từ đó dễ dàng gây ra suy giảm thị lực và dễ mắc các bệnh về mắt hơn.

Ngoài ra, những người từ 40 trở lên mắc các bệnh nền như viêm khớp, tuyến giáp, cao huyết áp, tiểu đường… và đang dùng các loại thuốc điều trị thì thị lực cũng sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.

Nhóm đối tượng khác cũng có tỷ lệ mắc viễn thị cao là người có khối u ở mắt hoặc đang mắc các bệnh về mắt như bệnh võng mạc.

Dấu hiệu và triệu chứng của viễn thị

Sau đây là một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở người bị viễn thị:

  • Nhìn mờ khi quan sát các vật thể ở gần
  • Nhức mỏi, có cảm giác nóng ở mắt và vùng quanh mắt
  • Thường xuyên mệt mỏi, lo âu
  • Chóng mặt, đau đầu khi làm các việc đòi hỏi tính tập trung cao như đọc sách, xem tivi…
  • Do phải điều tiết mắt thường xuyên nên người bị viễn thị thường xuất hiện các nếp nhăn ở vùng mắt, lông mày và trán, có cảm giác nặng ở khu vực trán và thái dương
  • Một số biến chứng nguy hiểm của viễn thị là rối loạn chức năng thị giác, lác mắt, nhược thị
Dấu hiệu nhận biết viễn thị là nhìn mờ, hay bị nhức mỏi mắt, đau đầu chóng mặt
Dấu hiệu nhận biết viễn thị là nhìn mờ, hay bị nhức mỏi mắt, đau đầu chóng mặt

Cách chữa trị viễn thị và lão thị

Phương pháp điều trị viễn thị

Đeo kính

Bệnh nhân có thể lựa chọn kính gọng hoặc kính áp tròng. Người bệnh viễn thị phải dùng kính hội tụ để ảnh của vật được điều chỉnh nằm đúng trên võng mạc. Cần dùng kính có độ viễn phù hợp, nên ưu tiên kính có độ chiết xuất cao và khả năng chống chói, chống ánh sáng xanh, chống thấm nước.

Phẫu thuật viễn thị

Phương pháp này giúp điều trị vĩnh viễn tật viễn thị mà không phải đeo kính suốt đời. Các công nghệ phẫu thuật mắt ngày càng được hiện đại hóa. Mang đến hiệu quả điều trị cao và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Có 4 phương pháp phẫu thuật được sử dụng phổ biến hiện nay, đó là:

  • PRK (Photo Refractive Keratectomy): Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành lấy biểu mô của giác mạc. Sau đó tác động lên bề mặt giác mạc bằng tia laser để điều chỉnh độ cong giác mạc.
  • LASIK (Laser hỗ trợ tại chỗ keratomileusis): Phẫu thuật viên sẽ tạo một vạt giác mạc và lật lên. Tiếp đó tác động lên phần nhu mô giác mạc bằng laser. Cuối cùng đậy vạt giác mạc về vị trí cũ.
  • LASEK (Laser biểu mô keratomileusis): Người ta sử dụng tia laser để định hình, tạo độ cong dốc hơn cho các cạnh bên ngoài của giác mạc.
  • CK (Keratoplasty dẫn điện): Dùng đầu dò phát xạ tần số để định hình lại giác mạc, tạo nên hiện tượng co nhẹ đối với ảnh ghép ngoại vi.
Một số phương pháp phẫu thuật điều trị viễn thị
Một số phương pháp phẫu thuật điều trị viễn thị

Phương pháp điều trị lão thị

Sử dụng kính gọng

Đây cũng là giải pháp điều trị phổ biến nhất dành cho người bị lão thị. Hiện nay có nhiều loại kính gọng cho bạn lựa chọn là:

  • Kính hai tròng: Có thể nhìn tốt ở cả khoảng cách gần và xa. Mắt kính được chia thành 2 vùng nhìn. Vùng phía dưới hỗ trợ quan sát tốt ở cự ly gần và vùng phía trên hỗ trợ quan sát đối với cự ly xa. Loại kính này có nhược điểm là việc quan sát ở khoảng trung gian có thể gặp khó khăn.
  • Kính ba tròng: Nhìn rõ vật thể ở khoảng cách gần, trung gian và xa. Kính ba tròng cũng được chia thành các vùng nhìn khác nhau như kính hai tròng. Tuy nhiên nhược điểm của kính là hình ảnh không rõ nét ở những vị trí giao thoa giữa các khoảng nhìn.
  • Kính đa tròng: Cơ chế giống với kính hai hoặc ba tròng. Tuy nhiên loại kính này có các vùng nhìn không được phân chia ranh giới rõ ràng. Thay vào đó, độ khúc xạ sẽ được điều chỉnh dần từ trên xuống dưới. Cho phép người viễn thị nhìn rõ ở mọi cự ly.
Có nhiều loại kính cho người bị lão thị như kính hai tròng, ba tròng, đa tròng
Có nhiều loại kính cho người bị lão thị như kính hai tròng, ba tròng, đa tròng

Sử dụng kính áp tròng

Kính áp tròng không gây vướng víu, cho phép người bệnh có thể dễ dàng chơi thể thao hoặc vận động mạnh. Người mắc lão thị có thể lựa chọn 1 trong 2 loại kính áp tròng sau đây:

  • Kính áp tròng đơn tròng monovision: Có cơ chế điều chỉnh giúp một mắt nhìn xa tốt và một mắt nhìn gần tốt. Tuy nhiên não bộ của bệnh nhân sẽ phải làm quen dần với những khoảng nhìn khác nhau ở từng mắt.
  • Kính áp tròng đa tròng: Loại kính áp tròng này có thiết kế đặc biệt. Với các vùng nhìn được phân chia tùy theo từng độ khúc xạ. Từ đó người bệnh có thể dễ dàng quan sát ở mọi cự ly từ gần đến xa.

Phẫu thuật lão thị

Khi điều trị lão thị bằng phẫu thuật, người bệnh có thể quan sát tốt ở mọi khoảng cách và không phải phụ thuộc vào kính. Có hai công nghệ phổ biến nhất hiện nay, đó là:

Công nghệ IPCL Presbyond: Với công nghệ này, người ta sẽ đặt một thấu kính nội nhãn 3 tiêu cực vào trong mắt. Cụ thể là ở vị trí trước thủy tinh thể và sau mống mắt. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như không gây khô mắt, không làm mỏng giác mạc, giúp tăng cường thị lực hiệu quả.

Công nghệ Laser LBV Presbyond: Dựa trên cơ chế tạo vạt giác mạc, công nghệ LBV ứng dụng tia laser Excimer để chiếu lên nhu mô giác mạc nhằm điều chỉnh độ khúc xạ, độ sâu trường ảnh đối với từng mắt. Từ đó tạo vùng hòa trộn tại khoảng nhìn trung gian để mắt quan sát rõ ở mọi khoảng nhìn từ gần đến xa và cả trung gian.

Các phương pháp phẫu thuật điều trị tật lão thị
Các phương pháp phẫu thuật điều trị tật lão thị

Viễn thị bao nhiêu độ thì nên đeo kính?

Tùy vào mức độ viễn thị mà bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đeo kính hoặc không. Độ viễn thị được quy định ở dạng (+) a. Con số a càng cao thì độ viễn thị càng ở mức nặng. Sau đây là các mức độ viễn thị:

  • Thấp hơn +1 diop: Được coi là viễn thị ở cấp độ nhẹ. Nếu người bệnh có thể sinh hoạt hàng ngày bình thường mà không cần nheo mắt nhiều, mắt không bị khô hoặc sưng đỏ thì có thể không phải đeo kính. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định tăng cường những thực phẩm giàu dinh dưỡng cho mắt và thực hiện đều đặn các bài luyện mắt.
  • Từ +1 đến +4 diop: Mức độ viễn thị trung bình, được chỉ định phải đeo kính vĩnh viễn.
  • Lớp hơn +4 diop: Viễn thị ở cấp độ nặng, dễ dẫn đến nhược thị, lác mắt.

Tốt nhất, nên đưa trẻ đi kiểm tra thị lực ở các mốc thời gian như: Năm đầu tiên, 3 tuổi rưỡi, 5 tuổi… Các bác sĩ sẽ thực hiện bài kiểm tra hoàn chỉnh gồm kiểm tra sức khỏe mắt tổng thể, kiểm tra khả năng tập trung vào vật thể của mắt, kiểm tra thần kinh thị giác, võng mạc…

Việc đánh giá có nên đeo kính hay không phải được quyết định bởi bác sĩ. Bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở uy tín như Bệnh viện Mắt Trung Ương để biết độ viễn chính xác và được các bác sĩ tư vấn tận tình, đưa ra phương hướng điều trị phù hợp nhất.

Khám mắt cho trẻ từ sớm và lựa chọn loại kính viễn thị phù hợp với độ viễn
Khám mắt cho trẻ từ sớm và lựa chọn loại kính viễn thị phù hợp với độ viễn

Kính lão viễn thị có thể dùng chung kính?

Như đã phân tích ở trên, viễn thị và lão thị không phải cùng một loại bệnh. Do đó tốt nhất là bạn nên dùng riêng hai loại kính viễn và kính lão.

Người bị viễn thị có thể dùng kính viễn để quan sát gần và xa đều được.

Người mắc lão thị cần trang bị 2 chiếc kính nhìn gần và nhìn xa khác nhau. Kính nhìn gần là loại kính hội tụ cho phép quan sát dễ dàng khi dùng điện thoại, đọc sách, làm việc… Còn kính nhìn xa là loại kính phân kỳ, phù hợp để dùng khi chơi thể thao, lái xe…

Để giảm bớt phiền toái cho người bị lão thị, hiện nay trên thị trường có bán các loại kính đa tròng. Với loại kính này, bệnh nhân lão thị có thể nhìn rõ bất kể xa gần, không phải liên tục đổi kính.

Có thể chữa khỏi viễn thị và lão thị không?

Để khắc phục tật viễn và lão thị, người ta phải sử dụng các loại kính đặc biệt như đã nêu trong phần cách thức điều trị ở trên. Tuy nhiên nếu cảm thấy việc đo kính lão viễn thị vướng víu, nặng nề thì có thể chuyển sang sử dụng kính áp tròng.

Nếu muốn điều trị dứt điểm các tật lão thị và viễn thị thì giải pháp hàng đầu là phẫu thuật. Đối với viễn thị, hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật tiên tiến như Relex Smile, Femto Lasik, Lasik…

Đối với người bị lão thị, đục thủy tinh thể thì phẫu thuật sẽ giúp mang lại tầm nhìn tốt hơn. Một số phương pháp phẫu thuật thường gặp là IPCL Presbyond, Laser LBV Presbyond…

Có nhiều phương pháp điều trị viễn thị và lão thị khác nhau
Có nhiều phương pháp điều trị viễn thị và lão thị khác nhau

Các câu hỏi thường gặp về viễn thị

Lứa tuổi nào có nguy cơ mắc viễn thị cao nhất?

Tật viễn thị thường gặp nhất ở nhóm trẻ em từ 5 – 10 tuổi. Chủ yếu là bởi trẻ có giác mạc quá dẹt hoặc trục nhãn cầu quá ngắn do bẩm sinh. Tuy nhiên trong quá trình lớn lên, trục nhãn cầu của trẻ có thể được cơ thể tự điều chỉnh để đưa vào kích thước gần như bình thường. Độ viễn của trẻ sẽ ổn định qua 18 tuổi và ngừng tăng sau 25 tuổi.

Phải làm gì để cải thiện tình trạng viễn thị?

Để cải thiện tình trạng viễn thị, bệnh nhân cần có lối sống sinh hoạt lành mạnh:

  • Môi trường học tập, làm việc phải đảm bảo đủ ánh sáng, không quá tối và cũng không quá sáng.
  • Tránh dùng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút.
  • Có thể luyện điều tiết mắt bằng cách nhìn ra xa từ 4 – 5 phút.
  • Nếu mắt quá khô có thể sử dụng nước mắt nhân tạo.
  • Bổ sung dưỡng chất như vitamin E, vitamin A, vitamin B…

Các loại thực phẩm nào tốt cho mắt người viễn thị?

Nếu mắc viễn thị, bạn có thể tăng cường bổ sung những nhóm thực phẩm như rau màu xanh sẫm, cá hồi, quả việt quất, khoai lang, bơ…

Người bị viễn thị nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho mắt
Người bị viễn thị nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho mắt

Người bị viễn thị không nên ăn gì?

Người bị viễn thị nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chiên rán, đồ ăn cay nóng, đồ ngọt… Ngoài ra cũng nên hạn chế đồ uống có cồn hoặc chứa nhiều đường, không hút thuốc lá.

Làm thế nào để phòng tránh viễn thị?

Căn bệnh viễn thị hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bạn áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời.
  • Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối rửa mắt.
  • Làm việc và học tập trong điều kiện ánh sáng thuận lợi
  • Bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt.
  • Tránh làm việc căng thẳng trong thời gian dài.

Điều kiện mổ viễn thị là gì?

  • Bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.
  • Thị lực ổn định nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tái viễn.
  • Giác mạc mắt bị thường, có độ dày vừa đủ, không có các bất thường như giác mạc hình chóp, sẹo giác mạc…
  • Không mắc các bệnh mãn tính như nhiễm trùng, đái tháo đường…

Có nên phẫu thuật viễn thị không?

Phẫu thuật viễn thị có thể điều trị bệnh dứt điểm, tuy nhiên cũng tiềm ẩn một số nguy cơ như:

  • Phẫu thuật laser không phù hợp với người mắc bị suy giảm miễn dịch, người đang mang thai hoặc cho con bú, người bị tiểu đường, bị đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp…
  • Làm mỏng giác mạc hoặc tầm nhìn tồi tệ hơn.
  • Có thể mất thị lực vĩnh viễn.

Một số bài tập luyện mắt dành cho người viễn thị

  • Bài tập nhắm mắt: Nhắm mắt lại và đặt hai ngón tay trên mí mắt. Ấn nhẹ lên mí mắt trong 2 giây và thả tay ra. Lặp lại từ 5 – 10 lần.
  • Bài tập đảo mắt: Đảo mắt thậm từ trái sang phải thành vòng tròn và lặp lại từ 5 – 10 lần. Sau đó tiếp tục đảo mắt ngược lại từ phải sang trái thêm 5 – 10 lần nữa.
  • Bài tập hình số tám: Chọn một điểm bất kỳ trên sàn nhà (cách xa 3m) và nhìn tập trung vào điểm đó. Từ điểm trên sàn nhà, bạn tưởng tượng vẽ hình số 8 và đưa mắt theo hình số 8 đó. Thực hiện trong 30 giây và lặp lại 5 lần.

Nói tóm lại, viễn thị và lão thị là hai căn bệnh khác nhau và có nguyên nhân, cách điều trị không giống nhau. Để tránh nhầm lẫn giữa hai loại bệnh này, tốt nhất bạn nên thăm khám tình trạng mắt tại Bệnh viện Mắt Trung Ương – Bệnh viện mắt số 1 tại Hà Nội. Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và nhiều trang thiết bị hiện đại, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Nguồn: Beptruongreview

5/5 - (11 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *