Đo mắt bằng thiết bị chuyên dụng và cắt kính phù hợp với độ khúc xạ của mắt

Tật khúc xạ: Nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị

Tật khúc xạ ở mắt giờ đây đã trở nên vô cùng phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Người mắc tật khúc xạ thường gặp vấn đề chung đó là hạn chế về khả năng nhìn, mắt nhìn mờ, phải nheo mắt để nhìn rõ vật thể. Hãy cùng Bệnh viện Mắt Trung Ương tìm hiểu tật khúc xạ là gì, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị trong bài viết sau nhé.

Xem thêm: Bệnh Rách (bong) võng mạc: Nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị

Tật khúc xạ ở mắt là gì?

Mắt là giác quan giúp chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của các vật thể xung quanh, nhận diện được kích thước, màu sắc, hình dáng… của vật thể.

Ở đôi mắt có khúc xạ bình thường, khi đi vào nhãn cầu thì ánh sáng sẽ hội tụ trên võng mạc, từ đó tạo ra hình ảnh rõ nét để truyền về vỏ não. Để hình ảnh đến vỏ não được sắc nét nhất, hình dạng của thủy tinh thể sẽ thay đổi trong quá trình điều tiết, giúp cho hình ảnh hội tụ nằm đúng vị trí trên võng mạc. Người trẻ tuổi sẽ có thủy tinh thể điều tiết tốt hơn người cao tuổi.

Dựa vào lý thuyết trên, có thể định nghĩa tật khúc xạ là một vấn đề ở mắt mà khi chúng ta quan sát một vật, hình ảnh về vật đó không được hội tụ trên võng mạc khiến cho mắt nhìn mờ hơn. Nói cách khác, tật khúc xạ có thể hiểu là khiếm khuyết về độ tập trung của mắt.

Tật khúc xạ ở mắt khiến cho hình ảnh vật thể không được hội tụ trên võng mạc
Tật khúc xạ ở mắt khiến cho hình ảnh vật thể không được hội tụ trên võng mạc

Các tật khúc xạ ở mắt

Một số tật khúc xạ ở mắt và nguyên nhân gây bệnh
Một số tật khúc xạ ở mắt và nguyên nhân gây bệnh

Tật cận thị

Cận thị là tật khúc xạ mà các tia sáng sẽ hội tụ phía trước võng mạc của người mắc. Đối với người bị cận thị, vật nào càng ở gần thì mắt sẽ càng nhìn rõ. Vật nào càng ở xa thì hình ảnh sẽ càng mờ, gây khó khăn trong việc nhận biết.

Mắt người bị cận thị có lực khúc xạ lớn bất thường. Do mắt cận thị phải liên tục nhìn gần dẫn đến tình trạng phồng lên của thủy tinh thể và khiến cho giác mạc bị cong hơn mức bình thường. Từ đó làm cho độ khúc xạ của mắt bị biến đổi.

Những trẻ có cha mẹ cùng bị cận thị thì tỷ lệ mắc cận thị ở trẻ sẽ tăng cao từ 20 – 30%. Khả năng mắc cận thị ở trẻ sẽ giảm còn 2,5% nếu trẻ có bố mẹ không bị cận thị.

Bên cạnh đó, cận thị cũng bắt nguồn từ thói quen hàng ngày như quan sát các thiết bị điện tử ở khoảng cách quá gần, học tập trong điều kiện ánh sáng yếu, làm việc với các thiết bị điện tử với cường độ cao…

Cận thị là tật khúc xạ mà các tia sáng sẽ hội tụ phía trước võng mạc của người mắc
Cận thị là tật khúc xạ mà các tia sáng sẽ hội tụ phía trước võng mạc của người mắc

Tật viễn thị

Viễn thị là tình trạng ánh sáng hội tụ phía sau võng mạc. Vì vậy mà người mắc viễn thị chỉ có thể thấy rõ những vật thể nằm cách xa nhưng lại khó quan sát vật ở gần. Vật càng gần thì mắt người bị viễn thị sẽ nhìn càng mờ.

Viễn thị có thể gặp phải ở những người có trục nhãn cầu ngắn bất thường (do bẩm sinh). Trên thực tế, do trục nhãn cầu chưa phát triển hết nên trẻ sơ sinh đều mắc viễn thị. Tuy nhiên khi trẻ lớn lên, trục nhãn cầu cũng sẽ dần được hoàn thiện và tình trạng viễn thị cũng sẽ mất đi.

Tuy nhiên một số trẻ có trục nhãn cầu ngắn nhưng lại không tiếp tục phát triển theo thời gian. Trong trường hợp này, trẻ sẽ mắc viễn thị suốt đời.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác gây viễn thị như người bị sẹo giác mạc, giác mạc dẹt hoặc có độ cong quá ít…

Nhìn chung, viễn thị thường bắt nguồn từ cấu trúc mắt có sự bất thường. Vì vậy hầu như không có biện pháp nào phòng tránh được tật khúc xạ này.

Viễn thị là tình trạng ánh sáng hội tụ phía sau võng mạc
Viễn thị là tình trạng ánh sáng hội tụ phía sau võng mạc

Tật loạn thị

Loạn thị là tình trạng mà các tia sáng không chỉ hội tụ tại một điểm như bình thường mà hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc. Từ đó khiến cho hình ảnh truyền về vỏ não bị mờ nhòa như bị hoa mắt. Loạn thị thường kèm theo viễn thị hoặc cận thị.

Nguyên nhân thường gặp nhất của loạn thị là do hình dạng của giác mạc không đồng đều. Từ đó khiến cho ánh sáng không thể hội tụ trên trục. Tỷ lệ mắc loạn thị cao hơn ở trẻ có bố mẹ cũng bị loạn thị.

Bên cạnh vấn đề về di truyền học thì loạn thị cũng xuất phát từ thói quen sinh hoạt không tốt, gây hại cho đôi mắt. Vì vậy có thể ngăn chặn tật loạn thị bằng nhiều cách như duy trì thói quen tập thể dục cho mắt, cho mắt nghỉ ngơi đủ thời gian, làm việc và học tập trong môi trường đủ ánh sáng…

Loạn thị khiến cho các tia sáng hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc
Loạn thị khiến cho các tia sáng hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc

Tật lão thị

Lão thị là tật khúc xạ khiến cho hình ảnh tập trung ở phía sau võng mạc. Vì vậy mà mắt chỉ có thể nhìn được rõ các vật thể ở xa nhưng lại nhìn mờ khi vật thể ở gần. Mặc dù mới nghe qua, lão thị khá giống với viễn thị tuy nhiên cơ chế gây bệnh lại hoàn toàn khác nhau.

Lão thị có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng thủy tinh thể bị lão hóa, mất dần khả năng điều tiết. Những người trước đó đã mắc các tật khúc xạ khác sẽ có nguy cơ mắc lão thị cao hơn.

Lão thị là hiện tượng mắt chỉ có thể nhìn được rõ các vật thể ở xa
Lão thị là hiện tượng mắt chỉ có thể nhìn được rõ các vật thể ở xa

Những dấu hiệu và triệu chứng của tật khúc xạ là gì?

Tùy vào từng loại tật khúc xạ mà dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau:

  • Cận thị: Người mắc cận thị phải thường xuyên chớp mắt, nheo mắt để cố gắng thấy rõ vật thể. Những người có độ cận cao có thể bị đau mỏi mắt, nhức đầu, lác mắt…
  • Viễn thị: Các dấu hiệu của tật viễn thị là nhìn mờ các vật ở gần, mỏi mắt, đau nhức đầu, hoa mắt chóng mặt sau khi thực hiện các công việc đòi hỏi tính tập trung cao…
  • Loạn thị: Một số triệu chứng thường gặp của tật loạn thị có thể kể đến như nhìn ở bất cứ khoảng cách nào, khi nhìn các bóng mờ sẽ thấy hình đôi, hình ba, gặp nhiều khó khăn khi phải quan sát trong bóng tối, nhức mỏi mắt, đau nhức đầu…
  • Lão thị: Người bị lão thị sẽ có khả năng nhìn gần kém, không nhìn rõ vật ở gần, mắt bị căng mỏi, khô mắt, nhức đầu, gặp khó khăn khi nhìn trong môi trường ánh sáng yếu…

Nguyên nhân gây ra tật khúc xạ là gì?

Có một số nguyên nhân chính thường gặp gây nên tật khúc xạ, đó là:

  • Do di truyền, bẩm sinh: Có một số trẻ mắc các tật khúc xạ mắt từ khi mới ra đời. Hiện tượng này thường bắt nguồn từ sự bất thường về cấu trúc mắt. Ví dụ như mắt to hơn, trục nhãn cầu dài hơn…
  • Mắt bị tổn thương do chấn thương: Mắt có thể bị tổn thương do phải tiếp xúc trực tiếp với tia UV thường xuyên hoặc do chấn thương ở vùng mắt.
  • Thói quen sinh hoạt: Mắt phải làm việc quá mức mà không có đủ thời gian nghỉ ngơi, thường xuyên phải nhìn các vật thể ở quá gần.
  • Do điều kiện môi trường: Môi trường sống xung quanh quá tối, không cung cấp đủ ánh sáng cho mắt.
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh: Tật khúc xạ còn có nguyên nhân từ việc sử dụng quá nhiều thiết bị phát ra ánh sáng xanh gây hại cho mắt. Ví dụ như máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh…
  • Tuổi tác: Khả năng điều tiết của mắt sẽ ngày càng giảm đi khi tuổi càng cao. Vì vậy mà chúng ta cũng dễ mắc các bệnh lý về mắt hơn khi về già.
  • Như vậy bên cạnh các vấn đề về tuổi tác và bẩm sinh thì những nguyên nhân gây nên tật khúc xạ ở mắt khác đều có thể phòng tránh được. Vì vậy cần điều chỉnh thói quen và chế độ sinh hoạt sao cho phù hợp để tránh mắc tật khúc xạ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ, tuy nhiên phần lớn trong số đó là có thể phòng tránh được
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ, tuy nhiên phần lớn trong số đó là có thể phòng tránh được

Những ai thường mắc phải tật khúc xạ mắt?

Như đã nói ở trên, bất cứ ai cũng và bất kỳ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắt các tật khúc xạ. Ước tính trên thế giới có đến 153 triệu người đang bị giảm sút thị lực do mắc các tật khúc xạ.

Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ mắc tật khúc xạ nhiều nhất là trẻ em trong độ tuổi đi học. Trong đó chủ yếu là trẻ bị cận thị do tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm, học tập không đúng tư thế, khoảng cách giữa mắt và sách vở quá gần…

Ngoài ra những nhóm đối tượng dễ mắc các tật khúc xạ nhất phải kể đến:

  • Những người có gen di truyền từ cha mẹ, mắc tật khúc xạ bẩm sinh
  • Học tập/làm việc liên tục trên 2 tiếng hoặc trên 8 tiếng/ngày
  • Học tập/làm việc trong môi trường không đủ ánh sáng
  • Đọc sách, xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử… ở cự ly quá gần (tối thiểu phải cách mắt từ 30cm trở lên)
  • Chế độ dinh dưỡng không cân bằng, thiếu hụt vitamin A
  • Những người từng bị chấn thương vùng mắt hoặc đã trải qua phẫu thuật mắt
  • Người mắc các bệnh mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường
  • Người thường xuyên dùng các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia…

Tật khúc xạ có nguy hiểm không?

Nhìn chung, các tật khúc xạ không đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Ở mức độ nhẹ, tật khúc xạ sẽ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, nhức mỏi mắt, đau đầu. Ngoài ra còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, làm việc và học tập.

Tuy nhiên nếu ở giai đoạn nặng, tật khúc xạ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhược thị: Đây là tình trạng mắt nhìn mờ, kể cả khi chỉnh kính thị lực cũng khó lòng cải thiện được.
  • Xuất huyết dịch kính, bong võng mạc: Biến chứng này thường gặp ở những người bị cận thị nặng. Bởi độ cận thị càng cao thì nhãn cầu càng có xu hướng lồi ra phía trước. Từ đó khiến cho võng mạc bị kéo cong và vùng chu biên võng mạc ngày càng mỏng hơn. Lâu dần dẫn đến tình trạng lão hóa thậm chí bong rách, xuất huyết dịch kính ở võng mạc. Ở giai đoạn này, thị lực dường như không thể phục hồi và có nguy cơ gây mù lòa.
Nhược thị là một trong những biến chứng nguy hiểm của tật khúc xạ
Nhược thị là một trong những biến chứng nguy hiểm của tật khúc xạ

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tật khúc xạ?

Nguy cơ mắc các tật khúc xạ có thể tăng cao ở những nhóm đối tượng sau đây:

  • Di truyền học: Những căn bệnh về mắt có thể gây ra do các rối loạn di truyền kết hợp như hội chứng Stickler, hội chứng Marfan hay hội chứng Knobloch.
  • Môi trường: Các nghiên cứu về khuynh hướng di truyền của sai số tật khúc xạ đã chứng minh rằng, có sự liên hệ giữa nguy cơ phát triển cận thị và các yếu tố về môi trường.

Điều trị Tật khúc xạ như thế nào?

Hiện nay có hai phương pháp được áp dụng phổ biến nhất để điều trị các tật khúc xạ, đó là đeo kính và phẫu thuật.

– Đeo kính:

  • Đeo kính gọng: Kính gọng có ưu điểm là mức giá vừa túi tiền, sử dụng dễ dàng. Tuy nhiên kính gọng cũng gây bất tiện, vướng víu cho người dùng và dễ rơi vỡ.
  • Đeo kính áp tròng: Kính áp tròng mang đến sự thuận tiện trong sinh hoạt tuy nhiên mức giá khá đắt đỏ. Ngoài ra nếu không vệ sinh kỹ càng thì dễ dẫn đến viêm nhiễm ở mắt.

– Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật giác mạc: Tùy vào mức độ nặng nhẹ của các tật khúc xạ mà phẫu thuật có thể giúp khắc phục hoàn toàn hoặc một phần tật khúc xạ. Mặc dù vậy phẫu thuật giác mạc tốn nhiều chi phí và chỉ phẫu thuật được một lần. Nếu giác mạc quá mỏng thì không thể phẫu thuật được.
  • Phẫu thuật nội nhãn: Phương pháp phẫu thuật nội nhãn giúp điều trị được tật khúc xạ tuy nhiên chi phí cao, tiềm ẩn nguy cơ tai biến trong phẫu thuật và biến chứng sau phẫu thuật.  
Phẫu thuật giúp điều trị hoàn toàn tật khúc xạ
Phẫu thuật giúp điều trị hoàn toàn tật khúc xạ

Nếu không điều trị tật khúc xạ thì sẽ xảy ra điều gì?

Nếu mắc tật khúc xạ nhưng không điều trị kịp thời sẽ xảy ra những trường hợp sau đây:

  • Người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quan sát, từ đó nảy sinh nhiều bất tiện trong quá trình học tập, sinh hoạt và công việc, nhất là những công việc cần dùng nhiều đến thị lực.
  • Trẻ em mắc các tật khúc xạ và mắt vẫn đang trong giai đoạn phát triển cần phải đeo kính. Nếu không có thể gây ra biến chứng nhược thị vô cùng nguy hiểm.
  • Đối với người lớn mắc các tật khúc xạ, việc không đeo kính chỉ gây suy giảm tầm nhìn nhưng không làm tăng độ của mắt, không khiến cho sức khỏe mắt tồi tệ hơn.

Làm thế nào để giảm nguy cơ bị tật khúc xạ?

Có nhiều biện pháp phòng tránh và làm giảm thiểu nguy cơ mắc các tật khúc xạ như:

  • Nên đưa trẻ nhỏ đi khám mắt định kỳ để sớm phát hiện dấu hiệu của tật khúc xạ và có biện pháp điều trị kịp thời.
  • Nơi học tập và làm việc cần đảm bảo đủ ánh sáng, cường độ sáng của phòng học hoặc phòng làm việc phải cao hơn gấp 3 lần cường độ sáng trong phòng sinh hoạt thông thường.
  • Khi đọc sách vào ban đêm nên kết hợp sử dụng đèn phòng và đèn chụp phản chiếu.
  • Khi học tập, làm việc hay đọc sách cần sao cho nguồn sáng chiếu từ trên xuống và từ phía sau, đối lập với bên tay thuận.
  • Bàn ghế phải có kích thước phù hợp với chiều cao của mỗi người. Tránh tình trạng phải cúi gập người hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa mắt và sách vở, thiết bị điện tử.
  • Khi làm việc, học tập hay đọc sách cần ngồi đúng tư thế. Tư thế ngồi chuẩn là: Lưng thẳng, hai chân hướng xuống nền nhà, đầu cúi xuống ở góc 10 – 15 độ.
  • Khoảng cách từ mắt đến sách lý tưởng là khoảng 35cm, đo từ đầu ngón tro hoặc ngón cái cong lại cho tới cùi chỏ. Khoảng cách từ mắt đến tivi bằng 7 lần số inch (đường chéo) của màn hình tivi.
  • Tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời, giảm thiểu thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, điện thoại…
  • Tránh làm việc với cường độ quá cao, phải kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý.
  • Cho mắt nghỉ ngơi cách 20 phút một lần bằng cách quan sát một vật cách đó từ 5 – 6m trong 20 giây.
  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao và chế độ dinh dưỡng khoa học. Bổ sung nhiều thực phẩm tốt cho mắt, giàu vitamin thiết yếu cho mắt như vitamin A, C, E…
  • Cần thăm khám tại chuyên khoa mắt ngay khi thấy mắt có biểu hiện lạ như nhức mỏi, nhìn mờ…
Tăng cường hoạt động thể chất ngoài trời để phòng tránh tật khúc xạ
Tăng cường hoạt động thể chất ngoài trời để phòng tránh tật khúc xạ

Để cắt được kính phù hợp với độ khúc xạ cần phải làm gì?

Muốn cắt kính tương ứng với độ khúc xạ của mắt, người bệnh cần đến cơ sở khám chữa mắt uy tín để được đo khúc xạ và đo kính bằng các thiết bị chuyên dụng.

Sau khi đã xác định chính xác độ khúc xạ của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại kính có độ khúc xạ phù hợp. Bệnh nhân cần đeo thử kính trong khoảng 15 – 30 phút để kiểm tra khả năng thích ứng của mắt với độ kính. Nếu người bệnh cảm thấy đau đầu, chóng mặt thì bác sĩ có thể đổi sang độ kính khác nhẹ hơn. Cuối cùng, bác sĩ sẽ ghi lại độ kính để người bệnh có thể cắt kính với độ khúc xạ phù hợp nhất.

Bệnh viện Mắt Trung Ương có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại và đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, giúp bệnh nhân xác định chính xác độ khúc xạ của mắt để lựa chọn loại kính phù hợp nhất.   

Đo mắt bằng thiết bị chuyên dụng và cắt kính phù hợp với độ khúc xạ của mắt
Đo mắt bằng thiết bị chuyên dụng và cắt kính phù hợp với độ khúc xạ của mắt

Chế độ sinh hoạt phù hợp với bệnh nhân mắc tật khúc xạ

Theo các chuyên gia, những người mắc các tật khúc xạ ở mắt nên thực hiện theo chế độ sinh hoạt như sau:

– Đảm bảo đủ ánh sáng cho nơi học tập, làm việc: Trong phòng làm việc/phòng học, ánh sáng phải có cường độ tối thiểu là gần 200 lux và không quá 500 lux. Tránh tình trạng phản xạ bề mặt từ màn hình máy tính hay mặt giấy khi làm việc. Nên kết hợp sử dụng đèn ống và bóng đèn tròn, ánh sáng nhân tạo và ánh sáng tự nhiên. Điều quan trọng là phải chiếu sáng toàn bộ căn phòng.

– Học tập/làm việc đúng tư thế: Duy trì tư thế học tập và làm việc khoa học, tránh quỳ hoặc nằm để làm việc.

– Tránh cho mắt bị căng thẳng: Không nên làm việc/học tập quá khuya. Giảm thiểu thời gian sử dụng máy tính, tivi, xem video… Không đọc các sách truyện có chữ quá nhỏ, hình ảnh không rõ nét.

– Tham gia các hoạt động thể chất: Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, những người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao từ nhỏ sẽ ít bị cận thị hơn.

– Không nên đọc sách khi tham gia các phương tiện giao thông: Không đọc sách hay làm việc khi đi tàu hỏa, máy bay… bởi mắt phải thay đổi điều tiết liên tục theo các chuyển động gập ghềnh, lắc lư nên dễ bị mỏi mắt.

– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Bổ sung cân bằng các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất, chất béo, chất đạm, tinh bột và đường. Trong đó đặc biệt chú ý đến các thực phẩm giàu vitamin A như bí đỏ, cà rốt, gấc, cà chua, rau màu xanh lục… Ngoài ra nên tránh các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, các chất kích thích, đồ uống có cồn.

– Đeo kính: Người mắc tật khúc xạ cần đeo các loại kính đặc biệt để điều chỉnh độ khúc xạ theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra nên đeo kính râm khi đi đường nhằm bảo vệ mắt khỏi tia UV.

– Kiểm tra mắt định kỳ: Trẻ mắt tật khúc xạ cần khám mắt và đo kính 6 tháng/lần. Người lớn từ 18 tuổi trở lên nên đi kiểm tra mắt 1 năm/lần.

Ngồi làm việc đúng tư thế để tránh mắc tật khúc xạ
Ngồi làm việc đúng tư thế để tránh mắc tật khúc xạ

Trên đây là một số kiến thức hữu ích về tật khúc xạ mà bạn cần quan tâm. Có thể thấy tật khúc xạ không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không có biện pháp điều trị kịp thời có thể khiến bệnh tình trầm trọng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm sau này. Bạn hãy đến thăm khám tại Bệnh viện Mắt Trung Ương để được các bác sĩ tư vấn tận tình và đưa ra phương hướng điều trị tối ưu nhất. 

Nguồn: Bếp Trương Review

5/5 - (12 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *